Đường Vành đai 3 TP.HCM là tuyến đường liên tỉnh, nối thành phố Hồ Chí Minh với một số địa phương trọng yếu thuộc khu vực phía Nam. Cùng tìm hiểu tổng quan về đường Vành đai 3 TP.HCM cùng những thông tin cập nhật mới nhất về tiến độ, giá đền bù thu hồi đất nhé!
1. Quy Mô Đường Vành Đai 3 TP.HCM
Ngày 15/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về triển khai Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Đường Vành đai 3 TP.HCM là dự án có quy mô lớn, cả về độ dài lẫn nguồn vốn và tác động tới toàn miền ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Tổng chiều dài đường Vành đai 3 TP.HCM là 92 km (nếu trừ đi 15,3km trùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn đã hình thành thì chiều dài toàn tuyến là 76,34km). Dự án đi qua các địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Đường Vành đai 3 TP.HCM là đường vành đai cao tốc đô thị, lòng đường bao gồm 4 làn xe cơ giới cùng với hai làn hỗn hợp hai bên, với vận tốc tối đa cho phép là 100 km/h. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Về tiến độ, dự án sẽ được khởi công trong tháng 6 năm 2023, tiến tới thông xe vào năm 2025 và hoàn thiện toàn bộ vào năm 2026.
2. Bản Đồ Quy Hoạch Đường Vành Đai 3 TP.HCM
Đường vành đai 3 Tp. HCM sẽ tạo thành vòng cung bao quanh thành phố với các nút giao quan trọng, gồm:
– Nút giao với Quốc lộ 1A tại địa phận Tân Vạn của thành phố Dĩ An, Bình Dương.
– Nút giao với Quốc lộ 13 cũng tại Bình Dương, ở địa phận thành phố Thủ Dầu Một.
– Nút giao tại Củ Chi với cao tốc TP.HCM, Mộc Bài.
– Tiếp tục giao với Quốc lộ 1A ở huyện Bến Lức, Long An.
– Nút giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành tại địa phận Bến Lức và Nhơn Trạch.
– Nút giao với cao tốc Long Thành – Dầu Giây tại địa phận Quận 9 TP.HCM.
Bản đồ quy hoạch đường Vành đai 3 TP.HCM
Đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua 4 tỉnh thành và được chia thành 4 đoạn lớn, đó là: Tân Vạn – Bình Chuẩn, Tân Vạn – Nhơn Trạch, Bình Chuẩn – Quốc lộ 22, Quốc lộ 22 – Bến Lức. Cụ thể:
– Đoạn qua địa phận TP. HCM: Dài 47,51km, gồm hai phần: qua thành phố Thủ Đức và đoạn qua các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. + Đoạn qua Thủ Đức có chiều dài 14,73 km, tính từ điểm giáp với nút cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và kết thúc tại nút giao Tân Vạn. + Đoạn qua huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh dài tổng cộng 32,6 km với điểm đầu là nơi tiếp giáp cầu Bình Gởi và điểm cuối là hết cầu Thầy Thuốc. |
|
– Đoạn qua Tỉnh Bình Dương: Dài 26,06 km, qua các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An. + Cụ thể gồm có 15,3 km trùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn đã đi vào khai thác, đoạn dự án thành phần 2B đến nút giao Tân Vạn là 2,53km và đoạn còn lại Bình Chuẩn – sông Sài Gòn là 8,23km. |
|
– Đoạn qua Tỉnh Đồng Nai: Dài 11,26km. Điểm đầu của đường thuộc địa phận xã Vĩnh Thanh của huyện Nhơn Trạch và điểm cuối ở cầu Nhơn Trạch để nối sang thành phố Thủ Đức. |
|
– Đoạn qua Tỉnh Long An: Dài 6,8km. Qua các xã Mỹ Yên, Tân Hòa và Tân Bửu thuộc huyện Bến Lức. |
Theo bản đồ đường Vành đai 3 TP.HCM, các địa phương có tuyến đường đi qua đều nắm giữ vai trò quan trọng, không chỉ của phía Nam mà cả nước.
Trong đó, ngoài TP.HCM là đầu tàu kinh tế, và là một trong hai trung tâm lớn nhất cả nước thì Bình Dương được xem là “thủ phủ công nghiệp”. Long An liền kề TP.HCM lại là cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long, có mạng lưới các khu công nghiệp dày đặc. Đồng Nai là cửa ngõ vùng kinh tế Nam Bộ, một trong 4 góc của tứ giác phát triển.
3. Tiến Độ Đường Vành Đai 3 TP.HCM
Đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch, thuộc dự án thành phần 1A, giai đoạn 1 đã được khởi công ngày 24/9/2022 tại huyện Nhơn Trạch – Đồng Nai, thời gian thi công 3 năm với một số thông tin:
– Chiều dài của Dự án thành phần 1A khoảng 8,22 km (trong đó, qua địa bàn Đồng Nai là 6,3 km và địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh 1,92 km).
– Điểm đầu giao tỉnh lộ 25B (huyện Nhơn Trạch – Đồng Nai), điểm cuối giao cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây (tại địa bàn Thành phố Thủ Đức).
– Đặc điểm: đường được thiết kế với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ 80km/h, nền đường rộng 20,5 tới 26m cho 4 làn xe cơ giới cùng 2 làn xe hỗn hợp.
Tại Bình Dương, tỉnh đã chủ động đầu tư và đưa vào sử dụng đoạn trùng với một phần đường Mỹ Phước – Tân Vạn. Nhờ vậy, trở thành tỉnh đầu tiên có đoạn thuộc đường Vành đai 3 được hoàn thiện và sử dụng.
Việc chú trọng đẩy nhanh tiến độ của dự án đang được các địa phương quan tâm thực hiện. Trong đó, quyết tâm tới tháng 6 năm 2023 sẽ bàn giao 70% mặt bằng. Tuy nhiên, tới nay, đã có những địa phương đăng ký đến hết tháng 3 năm 2023 sẽ bàn giao từ 90-100% mặt bằng.
Chẳng hạn như thành phố Thủ Đức đã bàn giao 96% mặt bằng (chiếm 34 ha trong tổng số 36 ha qua địa phận thành phố). TP.HCM đã bàn giao toàn bộ mặt bằng và hoàn thành đền bù 34,19 ha trong tổng số 35,72 ha. Đây là tiến độ nhanh kỷ lục.
Các tỉnh khác đang tiếp tục thực hiện việc đẩy nhanh giải phóng và bàn giao mặt bằng cho dự án.
Ngày 18/6/2023, dự án đường Vành đai 3 TPHCM đã chính thức được khởi công, cùng với loạt công trình hạ tầng quan trọng khác của khu vực phía Nam là cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu và Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.
4. Vai Trò Của Đường Vành Đai 3 Thành Phố Hồ Chí Minh
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nơi tập trung đông dân cư, việc quy hoạch các tuyến đường vành đai đóng vai trò quan trọng, góp phần giải quyết các vấn đề về giao thông và thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Trong đó, tuyến đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh là tuyến đường được phê duyệt chủ trương từ năm 2011 và điều chỉnh năm 2013. Đây là dự án có vai trò quan trọng, không chỉ với TP.HCM, các tỉnh thành có đường đi qua mà còn cho toàn vùng, cụ thể:
– Giúp giảm áp lực về giao thông cho các tuyến đường nội đô của thành phố vốn đang thường xuyên gặp phải tình trạng ùn ứ, kẹt xe.
– Thúc đẩy sự hình thành của các khu đô thị mới, thành phố vệ tinh, hoàn thiện kết cấu hạ tầng cũng như thúc đẩy các công trình phục vụ đời sống. Từ đó, kéo dân cư từ đô thị trung tâm TP.HCM ra bên ngoài, góp phần giãn dân ở nội đô. Đồng thời tạo sự kết nối với những đô thị vệ tinh đang phát triển như: Bến Lức, Đức Hòa, Nhơn Trạch,…
– Hình thành mạng lưới giao thông huyết mạch tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây sẽ là điều kiện quan trọng đối với giao thương, liên kết vùng, thu hút các nhà đầu tư, từ đó tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng, phát triển kinh tế toàn diện.
– Thời gian đi lại giữa TP.HCM với các địa phương như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương được ngắn lại đáng kể. Giao thương từ vùng Tây Nam Bộ ra các tỉnh phía Bắc cũng thuận lợi, nhanh chóng hơn. Thời gian đi Vũng Tàu, Mộc Bài (Tây Ninh), Bình Phước về Đồng bằng sông Cửu Long cũng rút ngắn.
– Các vùng, khu công nghiệp trọng điểm phía Nam được kết nối, mở ra các cơ hội phát triển mới cũng như khả năng hợp tác trong đầu tư. Đồng thời, hệ thống công nghiệp trong vùng theo đó cũng được điều chỉnh, sắp xếp lại.
Có thể nói ngoài việc tạo liên kết cho 4 địa phương liên quan, dự án này còn mang lại lời giải cho bài toán liên kết giữa hai miền Đông và Tây Nam Bộ. Đồng thời, hứa hẹn sẽ có nhiều đột phá hơn về mọi mặt của kinh tế, xã hội phía Nam trong tương lai.
golands.net tổng hợp nguồn.